Tăng giá bán nhiều mẫu ô tô “nội” lần lượt gia tăng, thậm chí nhiều mẫu xe khan hàng đội giá hàng chục triệu đồng… trong bối cảnh chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ với xe lắp ráp trong nước sắp hết hiệu lực.
Trước đó vào cuối tháng 11.2021 Chính phủ đã ban hành Nghị định 103/2021/NĐ-CP với một số nội dung quy định ô tô lắp ráp trong nước được hưởng chính sách ưu đãi giảm 50% lệ phí trước bạ. Chính sách này sẽ được áp dụng đến hết ngày 31.5.2022.
Tuy nhiên khi hạn cuối để mua ô tô “nội” được hưởng chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ đang đến gần, nhiều người mua ô tô “chạy thuế” để tiết kiệm phần nào chi phí đang đứng trước nguy cơ “vỡ mộng” khi giá bán xe liên tục gia tăng trong thời gian gần đây.
Hàng loạt ô tô lắp ráp, phân phối ô tô trong nước lần lượt điều chỉnh giá niêm yết với nhiều mẫu mã, thậm chí một số mẫu xe đội giá từ vài chục đến cả trăm triệu đồng do tình trạng khan hàng, không có để xe để bán.
Ở thời điểm hiện tại nếu khách hàng đặt mua một số mẫu xe lắp ráp trong nước như Hyundai Santa Fe, Tucson hay Kia Seltos… có thể sẽ không còn được hưởng ưu đãi giảm 50% lệ phí trước bạ theo Nghị định 103/2021. Bởi, phần lớn các đại lý đều thông báo đặt xe ở thời điểm hiện tại phải chờ ít nhất 1 tháng nữa mới có xe để giao. Trong khi đó, thời điểm áp dụng chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ chỉ còn tính bằng ngày.
Không những vậy, Hyundai Santa Fe, Tucson cũng đang bị một số đại lý đẩy giá bán tăng thêm khoảng 50 – 80 triệu đồng hoặc gợi ý cho khách hàng mua thêm gói phụ kiện nếu muốn nhận xe sớm.
Không chỉ bị đại lý đẩy giá để kiếm thêm lợi nhuận, giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cũng là lý do chính đang đẩy giá niêm yết một số dòng xe lắp ráp trong nước tăng. Cụ thể, mới đây Toyota Việt Nam (TMV) đã điều chỉnh giá bán một loạt mẫu xe đang phân phối. Trong đó, các mẫu xe lắp ráp trong nước như Toyota Vios tăng giá 5 triệu đồng, các phiên bản của Innova cũng tăng giá từ 5 – 6 triệu đồng. Giá bán Toyota Fortuner “nội” từ tháng 5.2022 cũng ở mức 1,015 – 1,459 tỉ đồng, tăng 19 – 53 triệu đồng so với trước đây.
Đáng chú ý ở phân khúc ô tô hạng sang, mẫu Mercedes-Benz GLC do Mercedes-Benz Việt Nam (MBV) lắp ráp cũng tăng giá thêm 30 – 70 triệu đồng bắt đầu từ tháng 5.2022.
Ngoài việc tăng giá bán, một số dòng xe còn bị đại lý, nhà sản xuất cắt giảm ưu đãi so với những tháng trước đây. Đơn cử như Honda CR-V trước đây từng được nhà sản xuất, đại lý áp dụng chính sách ưu đãi lên đến 110 – 120 triệu đồng. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại khách hàng mua mẫu Crossover này chỉ được giảm giá khoảng 30 – 40 triệu đồng (chưa bao gồm quà tặng phụ kiện).
Mazda CX-5 trước đây từng có thời điểm giảm giá tới hơn 20 triệu đồng, tuy nhiên khi bước sang tháng 5.2022, mức giảm giá cao nhất chỉ khoảng 15 triệu đồng và chỉ áp dụng với một số phiên bản nhất định. Thậm chí, một số đại lý, khách hàng mua mẫu xe này chỉ nhận được quà tặng phụ kiện và 1 năm bảo hiểm vật chất.
Như vậy, với việc nhiều dòng xe đang tăng giá, cắt giảm ưu đãi… người mua ô tô lắp ráp trong nước ở thời điểm hiện tại có thể không tiết kiệm được bao nhiêu khi ôm mộng “mua xe chạy thuế”.
Nguồn: Báo Thanh Niên